Phụ nữ đang mang thai cần 27mg sắt/1 ngày, tuy nhiên nhu cầu sắt phụ thuộc vào thể trạng từng người. Trong khi đó phải bổ sung canxi từ lúc bắt đầu có thai đến sau sinh.
Vai trò của sắt và axit folic
GS.TS Lê Danh Tuyên, nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, sắt và Axít folic có tác dụng bổ máu cho mẹ và thai nhi. Thiếu sắt và Axít folic dẫn đến nhiều nguy cơ không tốt đối với sức khỏe cả mẹ và con (sảy thai, sinh non, suy dinh dưỡng…), làm tăng nguy cơ bị khuyết tật ống dây thần kinh (nứt đốt sống, thai vô sọ…). Thiếu sắt còn gây thiếu máu cho mẹ và thai nhi: cơ thể bà mẹ mệt mỏi, hay chóng mặt, hoa mắt, xanh xao,dễ bị băng huyết khi sinh, thậm chí có thể dẫn tới tử vong cả mẹ và con.
Phụ nữ đang mang thai cần 27mg sắt/1 ngày, tuy nhiên nhu cầu sắt phụ thuộc vào thể trạng từng người, chế độ ăn uống và sự thay đổi của cơ thể trong suốt thai kỳ, các mẹ nên đi xét nghiệm máu ngay từ thời điểm có ý định mang thai để bổ sung sắt kịp thời. Sau đó định kỳ xét nghiệm máu để xem tình trạng cải thiện mức độ thiếu máu do thiếu sắt như thế nào để điều chỉnh cho phù hợp.
Nên bổ sung sắt từ khi phát hiện mang thai đến sau sinh 01 tháng. Nếu không có điều kiện thì ít nhất cũng nên uống bổ sung viên sắt từ tháng thứ 4 cho đến hết thai kỳ.
Các thực phẩm giàu sắt cho người mẹ mang thai
Sắt cótừ nguồn động vật (thịt đỏ, lòng đỏ trứng gà, nội tạng động vật, ngao…) và thực vật (rau có màu xanh đậm, bí ngô, mía, nho, chuối).
Một số loại thực phẩm giàu sắt: Trong 100g tiết bò có 52,60 mg sắt; Trong 100g gan lợn có 12,00 mg sắt; Trong 100g gan bò có 9,00 mg sắt; Trong 100g gan gà có 8,20 mg sắt; Trong 100g bầu dục lợn có 8,00 mg sắt; Trong 100g bầu dục bò có 7,10 mg sắt
Lưu ý khi bổ sung thực phẩm giàu chất sắt: Không uống cà phê hay trà khi ăn, vì chúng ngăn cản hấp thu sắt. Khẩu phần ăn có nhiều Vitamin C sẽ tăng cường việc hấp thu sắt của cơ thể, vì thế nên ăn nhiều rau quả có chứa nhiều Vitamin C như các loại rau xanh (Rau ngót, Cải xanh, Cần tây…), quả chín (Đu đủ, Xoài, Ổi…). Do canxi trong những sản phẩm sữa có thể làm giảm hấp thu sắt vì vậy nếu phải bổ sung canxi nên uống chúng giữa hai bữa ăn.
Khi nào cần bổ sung canxi?
Bắt đầu từ lúc mang thai, trong giai đoạn 3 tháng đầu, các bà bầu đã phải bổ sung ngay canxi để cung cấp cho thai nhi hình thành và phát triển bộ xương. Trong thực tế, trong suốt quá trình phát triển của thai nhi, tháng nào các bé cũng cần phải có canxi để phục vụ quá trình phát triển chiều dài bộ xương của bé. Nếu mẹ bầu không được bổ sung canxi thì thai nhi sẽ lấy canxi trực tiếp từ xương của người mẹ. Đây là nguyên nhân vì sao sau thời gian mang thai, nhiều mẹ cảm thấy sức khỏe suy yếu, xương và răng không còn chắc khỏe như trước.
Quá trình bổ sung canxi cho bà bầu phải thực hiện từ tháng bắt đầu có thai cho đến khi sinh nở, và kéo dài 6 tháng sau khi sinh nếu có điều kiện.
Bổ sung canxi cho bà bầu còn mang ý nghĩa quan trọng đối với sức khỏe của chính thai phụ. Khi thiếu hụt canxi, mẹ bầu thường bị tê chân, mệt mỏi, mất ngủ. Đến khi cho con bú, cơ thể mẹ suy yếu, hay đổ mồ hôi trộm, dễ bị đau lưng, mỏi vai, đau khớp. Sự thiếu hụt canxi diễn ra trường kỳ sau nhiều lần sinh nở là tiền đề gây ra hiện tượng loãng xương khi các mẹ bước vào độ tuổi mãn kinh.
Vậy bà bầu uống canxi vào thời điểm nào trong ngày? Thông thường buổi sáng là buổi bạn có thể tiếp xúc ánh nắng mặt trời nhiều hơn cũng như việc uống canxi vào buổi tối hoặc chiều sẽ làm lắng đọng canxi gây ra các bệnh lý như sỏi thận, táo bón,…. Vì vậy thời điểm bổ sung lý tưởng là vào sau bữa ăn sáng.
Một số lưu ý khi uống canxi: Thời điểm uống canxi nên cách xa lúc uống sắt. Uống canxi sau bữa sáng hoặc bữa trưa khoảng 1h đồng hồ Bổ sung canxi vào buổi sáng là tốt nhất. Tuyệt đối không nên uống vào buổi tối, nhất là trước khi ngủ, dễ hình thành sỏi thận. Nên uống nhiều nước để hạn chế sự hình thành sỏi trong thận. Có thể chia nhỏ thành nhiều lần để uống.
Các bà mẹ cũng có thể dùng các thực phẩm giàu canxi như rạm tươi, tép khô, ốc đá, ốc nhồi, ốc vặn, tôm đồng, tép gạo, pho mai, trai, tôm khô, hến, cua bể, trứng gà, sữa chua, cua đồng…