SKĐS – Theo Bs. Khổng Minh Tuấn, 1000 ngày đầu đời được coi là “1000 ngày vàng”, là thời gian tính từ khi hình thành bào thai trong bụng mẹ đến khi sinh ra và đủ 24 tháng tuổi.
Thời gian này được chia thành 3 giai đoạn quan trọng: thai nhi – sơ sinh đến 6 tháng tuổi – từ 6 đến 24 tháng tuổi. Mỗi giai đoạn, bà mẹ và trẻ cần phải có chế độ dinh dưỡng phù hợp để giúp cho trẻ phát triển tốt nhất. Trẻ được nuôi dưỡng đúng cách trong các giai đoạn này sẽ phòng chống bệnh tật tốt hơn và phát triển về thể chất, trí tuệ tốt hơn trong tương lai.
Ngược lại, nếu nuôi dưỡng kém có thể gây ra thiệt hại không thể phục hồi cho sự phát triển não bộ của trẻ, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe suốt đời. Mẹ thiếu dinh dưỡng vào đầu thai kỳ, trẻ có nguy cơ béo phì và bệnh tim mạch cao khi trưởng thành. Mẹ thiếu dinh dưỡng vào cuối thai kỳ, trẻ sẽ có nguy cơ rối loạn khả năng dung nạp glucoza cao hơn, dẫn đến bệnh đái tháo đường.
Những phụ nữ thiếu dinh dưỡng sinh ra những đứa con suy dinh dưỡng rồi những đứa trẻ này lớn lên lại trở thành các bà mẹ suy dinh dưỡng, thấp còi, tạo thành một vòng tròn luẩn quẩn.
1000 ngày đầu đời được coi là “1000 ngày vàng”, là thời gian tính từ khi hình thành bào thai trong bụng mẹ đến khi sinh ra và đủ 24 tháng tuổi.
Do đó, dinh dưỡng hợp lý từ giai đoạn sớm không chỉ được coi là vấn đề trách nhiệm của cha mẹ mà còn là một yêu cầu về mặt xã hội và kinh tế. Để sinh ra những trẻ em khỏe mạnh, có khả năng phát triển tối đa về thể chất và trí tuệ, mỗi phụ nữ tuổi sinh đẻ cần có những kiến thức cơ bản về chế độ dinh dưỡng trong 1000 ngày đầu đời.
Theo TS.BS. Phan Bích Nga – Viện Dinh dưỡng quốc gia, các kiến thức y học hiện đại đã khẳng định 1000 ngày đầu đời là giai đoạn vàng giúp trẻ phát triển chiều cao tốt và nhanh nhất đó là từ trong bào thai và 2i năm đầu đời.
Bác sĩ Phan Bích Nga cũng khuyến cáo, để tạo điều kiện cho bào thai phát triển tốt từ trong bụng mẹ: cần có ý thức chăm sóc bà mẹ mang thai: trong chế độ ăn, nghỉ ngơi, sinh hoạt. Với những bà mẹ nghén nhiều kém ăn lên cân không đạt 12kg/9 tháng mang thai, cần được bổ sung sữa và uống bổ sung đủ các vitamin và khoáng chất cần như B, C, canxi, sắt, kẽm, A (liều thấp dưới 5.000ui/ngày).
Trong 6 tháng đầu đời, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng thích hợp nhất cho trẻ phát triển tốt. Muốn có nguồn sữa tốt, mẹ cần uống thêm sữa tối thiểu 600ml/ngày và ăn đủ chất (thịt các loại, trứng, tôm, cua, cá, rau quả) chỉ kiêng những loại gia vị chua cay, tỏi và những thực phẩm lên men có thể gây rối loạn tiêu hóa.
Sau 6 tháng cho trẻ ăn dặm đúng cách cả về số lượng và chất lượng. Theo đó, thành phần bữa ăn dặm bột/cháo/súp của trẻ cần có đầy đủ: bột từ lỏng đến đặc dần (gạo, khoai tây..), đạm động vật (trứng, thịt, tôm, cua, cá…), dầu mỡ từ 2,5ml/bữa khi bắt đầu tập ăn đến 5ml/bữa sau vài tuần và 10ml/bữa khi gần 1 tuổi nhé, rau củ 1-2 thìa/bữa, bên cạnh đó bé cần được ăn hoa quả tươi, tiếp tục bú mẹ và uống nước đủ.
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1896/QĐ-TTg ban hành Chương trình “Chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời nhằm phòng chống suy dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em, nâng cao tầm vóc người Việt Nam”. Theo đó mục tiêu của chương trình là cải thiện tình trạng dinh dưỡng của phụ nữ có thai và trẻ em dưới 2 tuổi, góp phần nâng cao tầm vóc, thể lực người Việt Nam.
Cải thiện tình trạng dinh dưỡng của phụ nữ có thai và trẻ em: Đến năm 2025: tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi dưới 20%; tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi dưới 11%, riêng tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi dưới 15%; tỷ lệ trẻ có cân nặng sơ sinh thấp (dưới 2.500 gram) dưới 8%; tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai dưới 23% , riêng ở vùng miền núi dưới 25,5%; Đến năm 2030: tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi dưới 19%; tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi dưới 10,5%; tỷ lệ trẻ có cân nặng sơ sinh thấp (dưới 2.500 gram) dưới 7%; tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai xuống dưới 20%, riêng ở vùng miền núi dưới 23,5%…
Chế độ dinh dưỡng của bà bầu trong 3 tháng đầu để thai nhi khoẻ mạnh
SKĐS – Chế độ dinh dưỡng của người mẹ đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của thai nhi. Vậy, như thế nào là một chế độ dinh dưỡng khoa học hợp lý để vừa khỏe mẹ và tốt cho con?