SKĐS – Chế độ dinh dưỡng của người mẹ đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của thai nhi. Vậy, như thế nào là một chế độ dinh dưỡng khoa học hợp lý để vừa khỏe mẹ và tốt cho con?
Tầm quan trọng trong đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho bà bầu 3 tháng đầu
Mọi bào thai đều cần trải qua 7 giai đoạn phát triển quan trọng bao gồm việc bắt đầu hình thành phôi thai, hệ thần kinh (não và tủy sống), trái tim dần xuất hiện và có nhịp đập, phôi thai hình thành chồi chân, tay. Hệ tuần hoàn, nội tạng, cơ, xương và các giác quan khác cũng dần hoàn thiện.
Như vậy, trong suốt 12 tuần đầu tiên của thai kỳ, thai nhi về cơ bản đã hình thành đầy đủ số lượng các bộ phận cơ bản trên cơ thể con người. Để đảm bảo quá trình này diễn ra thật trọn vẹn, dinh dưỡng đóng vai trò hết sức quan trọng và là một phần không thể thiếu trong kế hoạch dưỡng thai. Sự thiếu hụt chất dinh dưỡng cần thiết trong giai đoạn này khiến thai nhi rất dễ bị dị tật, suy dinh dưỡng hoặc có nguy cơ cao bị sảy thai.
Đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho bà bầu 3 tháng đầu giúp duy trì sức khỏe người mẹ và thai nhi.
Khi chế độ ăn của mẹ bầu 3 tháng đầu được thiết kế khoa học hợp lý, thai nhi sẽ nhận được đầy đủ năng lượng để phát triển toàn diện, dễ dàng đạt được các mốc cân nặng và chiều dài tiêu chuẩn theo Bảng kích thước và cân nặng chuẩn của thai nhi do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ban hành; từ đó, giảm được nguy cơ bị suy dinh dưỡng bào thai, dị tật, sinh non hay bị lưu thai.
Bên cạnh đó, thiết lập một chế độ dinh dưỡng tốt còn giúp người mẹ giảm được các nguy cơ về bệnh lý thai kỳ như tiền sản giật, tiểu đường thai kỳ, lưu thai. Việc cung cấp đủ dưỡng chất sẽ khắc phục được tình trạng ốm nghén, buồn nôn, giúp mẹ bầu cảm thấy dễ chịu hơn trong 3 tháng đầu mang thai. Việc tăng thêm năng lượng để thực hiện các hoạt động hàng ngày, giúp mẹ duy trì được một sức khỏe tốt với tinh thần thoải mái, từ đó tạo nền tảng phát triển ổn định cho thai nhi.
Nhu cầu dinh dưỡng trong 3 tháng đầu thai kỳ để thai nhi khỏe mạnh
Bất cứ sự thiếu hụt dinh dưỡng nào trong 3 tháng đầu đều cũng có thể gây ảnh hưởng tới sự phát triển thai nhi. Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trong 3 tháng đầu thai kỳ để thai nhi phát triển khỏe mạnh, mẹ bầu cần nhu cầu dinh dưỡng như sau:
Năng lượng: Cùng với sự phát triển của thai nhi, nhu cầu năng lượng của thai phụ cũng thay đổi đáng kể. Nhu cầu năng lượng của mẹ bầu sẽ tăng thêm khoảng 50kcal/ ngày so vơi khi chưa có thai. Trung bình khoảng từ 1800kcal đến 2350 kcal/ ngày.
Chế độ dinh dưỡng 3 tháng đầu thai kỳ để bà bầu và thai nhi khỏe mạnh.
Chất đường bột: Đóng vai trò là nguồn năng lượng chính cho cơ thể trong chế độ dinh dưỡng cho bà bầu 3 tháng đầu vì vậy trong giai đoạn này, nhu cầu ngũ cốc cho mẹ bầu nên tăng 1 -1,5 đơn vị so với trước khi mang thai. Theo đó, sản phụ cần bổ sung từ 297 – 370g tinh bột ( khoảng 13-14.5 đơn vị) mỗi ngày để đảm bảo thai nhi phát triển toàn diện. Mẹ bầu có thể tham khảo cách quy đổi đơn vị tinh bột như sau:
Chất đạm, chất béo: Đạm là thành phần cơ bản của mọi tế bào trong cơ thể, bao gồm cả tế bào của thai nhi, chất béo cung cấp năng lượng và là nguồn cung cấp axit béo cần thiết cho sự phát triển não bộ thai phi. Sản phụ cần bổ sung chất đạm tăng thêm 15g/ngày so với bình thường và chất béo chiếm 20% tổng năng lượng, khoảng 40g. Trong 3 tháng đầu mẹ bầu cần bổ sung 5 đơn vị đạm, chất béo 1 ngày.
Trái cây, rau xanh: Lượng rau xanh mẹ bầu nên ăn mỗi ngày là rau: 4 đơn vị, quả 4 đơn vị. Trong đó mỗi đơn vị rau quả tương ứng với 80g rau hoặc hoa quả.
Vitamin và khoáng chất: Thiếu vitamin và khoáng chất có thể gây nên các biến chứng thai kỳ nguy hiểm. Do đó, chế độ ăn uống cho bà bầu 3 tháng đầu cần cung cấp đầy đủ vitamin A, vitamin B9 (axit folic), vitamin C, vitamin D, sắt, kẽm, i-ốt,c choline để thai nhi phát triển khỏe mạnh..
Nước: Sản phụ cần đảm bảo uống đủ 1.6 lít nước mỗi ngày nhằm hỗ trợ cơ thể giải độc và đảm bảo các hoạt động trao đổi chất diễn ra hiệu quả hơn. Nước cũng có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng.
Bên cạnh việc quan tâm đến việc ăn những gì và ăn bao nhiêu, mẹ bầu cũng cần lưu ý các quy tắc dinh dưỡng khi mang thai bao gồm việc không ăn các thực phẩm có nguy cơ gây hại như đồ tái, sống, thịt chưa chín kỹ, không sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, cà phê. Đồng thời nên chia nhỏ các bữa ăn trong ngày để giảm áp lực lên hệ tiêu hóa. Mẹ bầu hãy chú ý áp dụng xây dựng chế độ ăn theo tháp dinh dưỡng và thực hiện các quy tắc dinh dưỡng trong thời kỳ mang thai để đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh nhất cho mẹ và bé.
Xem thêm video được quan tâm:
Bộ Y Tế Yêu Cầu Thu Hồi Khẩn Lô Thuốc Điều Trị Dạ Dày Nhập Khẩu I SKĐS