Mỗi một giai đoạn khác nhau, trẻ lại cần đến chế độ dinh dưỡng đặc thù phù hợp với sự phát triển của lứa tuổi, cha mẹ cần hiểu đúng về các giai đoạn này để có dinh dưỡng hợp lý cho bé.
Giai đoạn từ 0-6 tháng đầu
Nuôi con bằng sữa mẹ (NCBSM) hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo, đáp ứng đầy đủ nhu cầu trẻ trong 6 tháng đầu. Trẻ cần được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, nghĩa là chỉ cho trẻ bú mẹ mà không cho ăn, uống bất cứ thức ăn, đồ uống nào khác kể cả nước đun sôi, trừ các trường hợp phải uống bổ sung các vitamin, khoáng chất hoặc thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Các hướng dẫn về nuôi con bằng sữa mẹ: Bắt đầu cho trẻ bú ngay trong 1 giờ đầu sau khi sinh và tiếp tục cho trẻ bú mẹ đến 24 tháng; Trẻ cần được bú theo nhu cầu, cả ngày lẫn đêm. Số lần bú khoảng 8-12 lần/ngày; Trẻ càng bú nhiều, mẹ càng tiết nhiều sữa. Bú hết một bên vú rồi mới chuyển sang bên kia để đảm bảo trẻ được bú cả sữa đầu và sữa cuối giàu dinh dưỡng.
Sữa đầu bữa là sữa được tiết ra đầu bữa bú của trẻ. Sữa đầu bữa có màu hơi xanh, số lượng nhiều và cung cấp nhiều đạm, đường, nước và các chất dinh dưỡng khác. Trẻ dưới 6 tháng tuổi chỉ cần bú mẹ là đủ, không cần uống thêm nước, ngay cả khi thời tiết nóng. Nếu cho trẻ uống nước thì trẻ sẽ giảm bú mẹ.
Sữa cuối bữa là sữa được tiết ra cuối bữa bú của trẻ. Bầu vú mẹ lúc này đã hết căng. Sữa cuối bữa có màu trắng vì chứa nhiều chất béo hơn sữa đầu bữa. Chất béo cung cấp nhiều năng lượng cho trẻ giúp trẻ lớn nhanh hơn, vì vậy điều quan trọng là cần để trẻ bú đến hết sữa cuối, không để trẻ nhả vú sớm hay mẹ chuyển bên sớm quá.
Khi trẻ bị ốm (bệnh), vẫn tiếp tục cho trẻ bú, cần cho bú thường xuyên hơn và lâu hơn. Không nên cho trẻ bú bình. Nếu trẻ bú bình trước khi bú mẹ lần đầu thì trẻ khó có thể mút vú có hiệu quả. Thậm chí những trẻ đã bú mẹ trong vài tuần sau đẻ rồi bú bình, đến khi bú mẹ lại vẫn có thể bú không hiệu quả.
Để có nguồn sữa mẹ dồi dào, người mẹ cần được nghỉ ngơi, tinh thần thoải mái và luôn tin tưởng rằng mình đủ sữa để nuôi con. Nhu cầu năng lượng của người mẹ cho con bú cần tăng thêm 500 Kcal mỗi ngày. Do vậy, bà mẹ nên ăn thêm 2-3 bữa phụ/ngày để đảm bảo đủ năng lượng.
Dinh dưỡng cho nhóm trẻ trên 6 tháng tuổi
Trẻ từ 6 tháng tuổi trở đi, ngoài bú sữa mẹ hàng ngày nên bắt đầu cho trẻ ăn bổ sung với những nguyên tắc sau: Cho trẻ ăn từ lỏng đến đặc, từ ít đến nhiều, tập cho trẻ quen dần với thức ăn mới. Số lượng thức ăn và bữa ăn tăng dần theo tuổi, đảm bảo đầy đủ các nhóm thực phẩm sau trong 1 bữa ăn: Nhóm lương thực; nhóm thực phẩm cung cấp chất đạm như nhóm thịt các loại, cá và hải sản hoặc nhóm trứng và các sản phẩm từ trứng; nhóm củ quả màu vàng, da cam, màu đỏ hoặc xanh thẫm hoặc các nhóm rau củ quả khác; nhóm dầu ăn, mỡ các loại.
Để trẻ có cảm giác đói và no cần phải: Cho trẻ tập trung vào bữa ăn, không làm xao nhãng trẻ trong bữa ăn như xem tivi, chơi đồ chơi,… Để trẻ ngồi vào bàn hoặc ghế tập ăn. Không tỏ thái độ khó chịu hay cưỡng ép trẻ ăn hết suất hay ăn thử một món ăn mới mà nên khuyến kích, khen ngợi, động viên trẻ khi ăn hết suất hay chịu ăn thức ăn mới. Giới hạn bữa ăn trong 30 phút. Khoảng cách giữa mỗi lần ăn ít nhất là 3h.
Cung cấp món ăn phù hợp với lứa tuổi. Xây dựng bữa ăn đa dạng phong phú về màu sắc, chất lượng và số lượng món ăn trong mỗi lần ăn. Món ăn phải hợp với khẩu vị của trẻ chứ không phải khẩu vị của người chăm sóc trẻ. Không cho ăn vặt và uống đồ ngọt giữa các bữa ăn. Khuyến khích trẻ tự xúc ăn, tiếp cận 4 giác quan khi ăn. Cân kiểm tra con định kỳ 1 tháng/lần và/hoặc theo yêu cầu của chuyên gia dinh dưỡng. Cân lúc đói, sử dụng một cân duy nhất và cân cùng thời điểm trong ngày. Không tự sử dụng thuốc khi không có chỉ định của chuyên gia dinh dưỡng/bác sĩ.
Dinh dưỡng cho trẻ ở nhóm tuổi từ 6 – 12 tháng
Trẻ 6 tháng tuổi: Ngoài bú mẹ, cho trẻ ăn thêm 1 bữa bột loãng 5%, trẻ được ăn đặc dần với số lượng tăng dần 200ml/bữa; hoa quả nghiền là 20ml/ngày
Trẻ 7-8 tháng tuổi: Ngoài bú mẹ, cho trẻ ăn thêm 2 bữa bột 10%, mỗi bữa 200ml; hoa quả nghiền là 40ml/ngày
-Trẻ 9-12 tháng: Ngoài bú mẹ, cho trẻ ăn thêm 3 bữa bột 10%, mỗi bữa 200ml; hoa quả nghiền là 60ml/ngày.
Thành phần bát bột 200ml: Bột 5%: 10g bột (2 thìa cafe vun, không thêm hạt sen, đậu đỗ); 10-15g thịt (1 thìa cafe vun, thịt băm nhuyễn); 1 thìa canh hoặc thìa phở nước rau nghiền; 2,5ml nước mắm; 5ml dầu ăn. Bột 10%: 20g bột (1 thìa phở hoặc canh đầy có ngọn, không thêm hạt sen, đậu đỗ); 1/4 -1/3 lạng thịt (1 thìa phở vun, hoặc cá hoặc tôm hoặc 1 lòng đỏ trứng gà); 1 thìa phở (hoặc thìa canh rau nghiền nhỏ); 3-5ml nước mắm; 5-10ml dầu ăn.
Dinh dưỡng cho trẻ ở nhóm tuổi từ 1 – 2 tuổi
Tiếp tục cho trẻ bú mẹ đến 24 tháng, giai đoạn này trẻ có thể ăn cháo đặc dần từ cháo gạo vỡ sang cháo nguyên hạt, tiếp đến cơm nát để giúp trẻ tập nhai. Thức ăn chính là cháo đặc với thực phẩm được băm nhỏ có đủ 4 nhóm thực phẩm. Trẻ cần ăn 3 bữa cháo/ ngày, mỗi bữa 250ml. Hoa quả: 60-80g. Thức ăn phải được nấu nhừ, nhuyễn để dễ tiêu hóa. Khẩu phần ăn chiếm khoảng 2/3 năng lượng khẩu phần hàng ngày của trẻ, 1/3 còn lại là từ sữa, tương đương khoảng 600ml mỗi ngày.
Dinh dưỡng cho trẻ ở nhóm tuổi từ 2 – 5 tuổi
Khi trẻ tròn 2 tuổi là thời gian thích hợp nhất để tập cho trẻ ăn cơm vì trẻ đã mọc đủ răng, đặc biệt là răng hàm giúp trẻ nhai và nuốt thức ăn dễ dàng hơn.
Tiếp tục cho trẻ uống sữa 200-300ml/ngày. Cân đối đủ 4 nhóm thực phẩm trong mỗi bữa ăn. Thực phẩm cắt nhỏ, nấu mềm. Sử dụng đa dạng thực phẩm, tạo màu sắc sinh động cho món ăn. Có thể sử dụng một ít gia vị như hành, tỏi, mắm, muối, hạt nêm, mì chính… để ướp, xào, nấu thức ăn để tăng hương vị cho món ăn.
Thường xuyên thay đổi món ăn cho trẻ. Cho trẻ ăn ngay thức ăn sau khi chế biến. Cho trẻ ăn cả nước lẫn cái (thịt, rau). Thực hiện các nguyên tắc vệ sinh an toàn thực phẩm
(Theo Tài liệu Tư vấn dinh dưỡng cho bà mẹ có con dưới 5 tuổi, Bệnh viện Nhi Trung ương)