SKĐS – Ăn uống đúng cách, đa dạng và cân bằng cho phép bạn bảo vệ sức khỏe và cải thiện chất lượng cuộc sống. Trong trường hợp nhiễm HIV, cần lưu ý những gì để có được chế độ ăn uống hiệu quả?
1. Tầm quan trọng của việc ăn uống đúng cách khi bị nhiễm HIV
Một chế độ ăn uống lành mạnh đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe của mỗi người, nhất là khi mắc một bệnh lý mạn tính.
Khi cơ thể bị ảnh hưởng bởi HIV, hệ thống miễn dịch phải chiến đấu mạnh mẽ hơn. Ngay cả khi được kiểm soát tốt bởi các thuốc kháng virus, HIV vẫn gây ra mức độ viêm nhiễm thấp, gây tổn hại cơ thể theo thời gian dài.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người nhiễm HIV có nhu cầu cao hơn về một số chất dinh dưỡng nhất định như protein. Điều này dẫn đến sự gia tăng nhu cầu năng lượng và chất dinh dưỡng, nhất là khi các triệu chứng phát triển.
Tuy nhiên, những người nhiễm HIV thường thấy mình không có cảm giác thèm ăn. Nhiều yếu tố có thể là nguyên nhân cho việc kém ăn này như: Việc điều trị có thể làm thay đổi mùi vị thức ăn và giảm cảm giác thèm ăn; các triệu chứng như buồn nôn, nôn, tiêu chảy và lở miệng, mệt mỏi… cũng làm giảm ham muốn ăn uống. Các biến chứng liên quan đến triệu chứng, tác dụng phụ gây khó hấp thu thức ăn, do đó cần tìm giải pháp tránh sụt cân và suy dinh dưỡng.
Rau quả có màu sắc chứa nhiều vitamin A tốt cho người HIV.
2. Giải pháp giúp người nhiễm HIV ăn uống tốt hơn
Nếu một người nhiễm HIV gặp khó khăn khi ăn uống, một trong những mẹo đầu tiên là xác định thời điểm trong ngày thuận lợi nhất cho việc ăn uống, tức là không có quá nhiều cảm giác chán ngán và các triệu chứng. Có thể bổ sung những bữa ăn nhẹ nhỏ, dễ lấy và nhanh chóng như các loại hạt, sữa chua, trái cây… vào các bữa ăn hàng ngày. Đồng thời việc chọn những thực phẩm dễ tiêu hóa cũng rất quan trọng.
Những loại thực phẩm cần ưu tiên
Việc bổ sung một số chất dinh dưỡng để khắc phục các tác dụng phụ và các triệu chứng. Ưu tiên cho việc hấp thu các thực phẩm giàu tinh bột và protein như thịt, cá, trứng và các loại đậu để duy trì khối lượng cơ bắp (trừ trường hợp tổn thương gan), cũng như các thực phẩm giàu các chất dinh dưỡng sau:
-Vitamin A: Có lợi cho da và màng nhầy, thiếu hụt vitamin A có thể gây tiêu chảy. Vitamin A được tìm thấy trong trái cây và rau quả nhiều màu sắc, trứng và gan.
3 lợi ích quan trọng triển khai phòng, chống HIV/AIDS cho công nhân lao độngĐỌC NGAY
– Vitamin C: Giúp bảo vệ chống lại nguy cơ nhiễm trùng; nên tiêu thụ trái cây họ cam quýt, trái cây và rau sống để bổ sung đầy đủ vitamin này cho cơ thể.
– Kẽm (có nhiều trong protein động vật, các sản phẩm từ sữa) và selen (thường có trong ngũ cốc nguyên hạt và protein động vật) có lợi cho hệ thống miễn dịch, rất cần cho người nhiễm HIV bị suy giảm miễn dịch.
– Lượng sắt hấp thụ qua thịt đỏ, hải sản, các loại đậu… giúp chống lại chứng thiếu máu.
– Vitamin nhóm B: Để duy trì hệ thống miễn dịch và thần kinh, vitamin nhóm B nên được ưu tiên, chúng thường có trong các loại thực phẩm giàu tinh bột, thịt, cá, trái cây và rau quả.
– Luôn nạp đủ nước cho cơ thể: Các triệu chứng tiêu chảy và buồn nôn có thể làm cơ thể mất nước, do đó luôn duy trì việc uống nước mọi lúc mọi nơi.
Người nhiễm HIV nên tiêu thụ các loại thực phẩm giàu tinh bột.
Những loại thực phẩm nên hạn chế
HIV làm tăng khả năng mắc bệnh tim. Quá nhiều đường và muối có thể gây hại tim, làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh.Vì vậy, hãy cố gắng nạp ít hơn 10% lượng calo mỗi ngày từ thức ăn và đồ uống có đường. Cũng không nên ăn quá 2.300 miligam natri (muối) mỗi ngày.
Không sử dụng rượu, bia, các chất kích thích như cà phê, trà đặc…, tránh hút thuốc lá.
Ngoài ra, để có sức khỏe tốt người nhiễm HIV cần xây dựng cho mình một lối sống khoa học, lành mạnh, tăng cường các hoạt động thể chất phù hợp, tuân thủ chế độ thuốc điều trị, tạo cho mình một tinh thần thoải mái, lạc quan để chiến thắng bệnh tật.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Đại biểu qũy toàn cầu ấn tượng trước kết quả phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam.