Nhóm dân tộc rất ít người ở những địa bàn khó khăn thuộc lõi nghèo của cả nước điều kiện về dinh dưỡng còn nhiều thiếu thốn. Trong khi đó, thực hành nuôi dưỡng trẻ nhỏ chưa hợp lý cùng các tập tục lạc hậu dẫn tới những hệ lụy.
Việc thực hành nuôi dưỡng trẻ ở vùng dân tộc thiểu số còn hạn chế. Ảnh: Đàm An
Dân tộc rất ít người thiếu thốn về dinh dưỡng
Theo thống kê của Ủy ban Dân tộc, trong số 53 dân tộc thiểu số của nước ta có 16 dân tộc có số dân dưới 10.000 người là Ơ Đu, Pu Péo, Si La, Rơ Măm, Brâu, Cống, Bố Y, Mảng, Lô Lô, Cờ Lao, Ngái, La Ha, Pà Thẻn, Lự, Chứt, La Hủ. Hiện nhóm dân tộc này có khoảng hơn 74.000 người, 0,55% cộng đồng dân tộc thiểu số và 0,08% dân số toàn quốc.
Cư trú ở những địa bàn khó khăn thuộc lõi nghèo của cả nước là các thôn bản khó khăn ở vùng núi cao, biên giới các tỉnh thành như Sơn La, Điện Biên, Hà Giang, Kon tum… Dân tộc rất ít người còn rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo so với các nhóm dân tộc khác cao tới gấp 2 – 4 lần. Khả năng được tiếp cận, hưởng thụ dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường… thiếu thốn dẫn tới các vấn đề về dinh dưỡng còn tụt hậu.
Nhiều nghiên cứu cho thấy chỉ số đáng quan ngại trong “bức tranh” thực trạng dân số của 16 dân tộc thiểu số rất ít người (DTTSRIN). Trong đó có thể thấy như: tầm vóc thể lực thấp so với các dân tộc khác cả về chiều cao, cân nặng trung bình; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi thiếu vi chất dinh dưỡng ở mức cao (29,2%). Tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng ở nhóm DTTSRIN còn ở mức cao, phân bố không đều.
Một số nhóm dân tộc thiểu số rất ít người có tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng ở mức cao là dân tộc Chứt 40%, Si La 21,7%; Bố Y 35%; La Ha 20%; Brâu, Rơ Măm 29,87%; Lô Lô 16,91%; Ơ-Đu 12%… Suy dinh dưỡng thấp còi ảnh hưởng tới chiều cao, tầm vóc của người dân.
Cùng với đó, tỷ lệ thiếu máu, thiếu vitamin A tiền lâm sàng, i ốt, kẽm… vẫn còn ở mức cao; dinh dưỡng học đường chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức; tình trạng học sinh bỏ học còn cao so với các dân tộc thiểu số khác.
Một báo cáo đánh giá tình trạng dinh dưỡng trẻ em từ 6 -59 tháng tuổi của Tổ chức Cứu trợ trẻ em tại Việt Nam ở Mù Cang Chải và Trạm Tấu tỉnh Yên Bái cho thấy, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em các xã nghiên cứu cao hơn cả nước (thể thấp còi 69,44%, nhẹ cân 29,58%). Suy dinh dưỡng thấp còi gặp nhiều, các bà mẹ thường không rửa tay trước và sau khi chế biến thức ăn cho trẻ dẫn tới tỷ lệ trẻ nhiễm giun cao tới 40,52%…
Thực hành nuôi dưỡng trẻ nhỏ chưa hợp lý
Các chuyên gia đã chỉ ra, nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ trẻ dân tộc thiểu số bị suy dinh dưỡng cao do tập quán kết hôn cận huyết thống, tảo hôn… dẫn tới hệ lụy như đẻ non, thai nhi kém phát triển, suy dinh dưỡng từ trong bụng mẹ, mắc bệnh, chất lượng giống nòi suy thoái. Cùng với đó, khẩu phần ăn của người dân không hợp lý, trẻ không được ăn đủ bữa tối thiểu, không được tiếp tục cho bú đến 1 tuổi; trẻ sinh nhẹ cân, khoảng cách sinh ngắn; trẻ bị thiếu máu… Người dân tộc thiểu số với phong tục lạc hậu không để trẻ ăn bổ sung đúng độ tuổi; từ lâu có thói quen cho trẻ ăn cơm nhá, cơm hạt không ăn cháo, bột…
“Tỷ lệ suy dinh dưỡng cao là do thực hành nuôi dưỡng trẻ nhỏ chưa hợp lý” – đó là chia sẻ của TS Nguyễn Thanh Tuấn, Dự án Alive&Thrive, FHI360. Kết quả điều tra ban đầu của Dự án tại 11 tỉnh cho thấy, tỷ lệ bú mẹ hoàn toàn của các dân tộc còn thấp, khoảng 4 – 33%; tỷ lệ trẻ có chế độ ăn đúng đủ ở dân tộc thiểu số khoảng từ 33-52%, thấp hơn so với vùng đồng bằng (75%). Điều này do trình độ nhận thức của người dân còn thấp, chế độ ăn không đa dạng, thiếu bữa…
Đẩy mạnh tuyên truyền, bổ sung vi chất dinh dưỡng
TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam nhấn mạnh, để giải quyết vấn đề suy dinh dưỡng ở trẻ em vùng dân tộc thiểu số cần sự hỗ trợ từ chính sách và Nhà nước như đẩy mạnh triển khai các can thiệp dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và cho con bú; cho trẻ tiêm phòng đầy đủ theo chương trình tiêm chủng mở rộng; ăn uống đa dạng thực phẩm và bổ sung thêm các vi chất dinh dưỡng định kỳ; theo dõi tăng trưởng và phát triển của trẻ; bảo đảm nước sạch, vệ sinh cá nhân và môi trường…
Bà con dân tộc thiểu số cần được tiếp cận các dịch vụ y tế hiện đại, xóa bỏ các tập quán lạc hậu để thay đổi lối sống có vệ sinh, văn hóa… Đồng thời phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, cộng tác viên dân số, cô đỡ thôn bản… trong việc truyền thông đến bà con. Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của mạng lưới dinh dưỡng tại cộng đồng và cơ sở y tế…
Trong thời gian qua, ở nhiều địa phương, trong đó có các tỉnh miền núi đã được Viện Dinh dưỡng Quốc gia triển khai chương trình hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho trẻ em nói chung, trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Một trong những mô hình góp phần nâng cao tầm vóc, tăng cường các vi chất dinh dưỡng và giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng là mô hình chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời của trẻ.
Các cán bộ y tế, nhân viên y tế thôn bản đã được cung cấp tài liệu, tập huấn đồng thời triển khai ở nhiều tỉnh như Đắk Lắk, Thanh Hóa… Với những hoạt động đa dạng phần nào đã cho người dân ở vùng dân tộc thiểu số được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại.