SKĐS – Uống nước cam tốt cho sức khỏe nhưng cần uống đúng cách. Rất nhiều người cho rằng vì nó tốt, bổ dưỡng nên càng cố uống nhiều càng tốt. Sự thật có đúng như vậy không, nên uống nước cam như thế nào là có lợi nhất?
Nội dung
- 1. Nước cam có lợi cho sức khỏe như thế nào?
- 2. Có bao nhiêu chất dinh dưỡng trong một cốc nước cam?
- 3. Cách uống nước cam có lợi nhất
1. Nước cam có lợi cho sức khỏe như thế nào?
Nước cam được mệnh danh là thức uống kỳ diệu phù hợp với mọi đối tượng. Không chỉ ngon, hấp dẫn, mà trong một ly nước cam còn chứa nhiều chất dinh dưỡng quan trọng cơ thể cần.
Một trong những giá trị tốt nhất của nước cam là nó chứa một lượng lớn vitamin C. Vitamin C rất quan trọng vì nó thúc đẩy cơ thể sản xuất collagen, đây là một loại protein đóng vai trò xây dựng cho da, xương và mô. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng vitamin C giúp hạ huyết áp vì nó có tác dụng loại bỏ lượng muối và nước dư thừa ra khỏi cơ thể.
Nước cam có bã là nguồn cung cấp chất xơ tốt. Chất xơ giúp cơ thể duy trì sức khỏe tiêu hóa và có thể giảm nguy cơ mắc các bệnh như đái tháo đường, bệnh tim và một số loại ung thư.
Nước cam chứa nhiều dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe.
Nghiên cứu cho thấy, các chất chống oxy hóa có trong nước cam rất quan trọng vì chúng bảo vệ cơ thể chống lại các gốc tự do, là những phân tử không ổn định gây bệnh tật. Một chất chống oxy hóa có trong nước cam là hesperidin, có liên quan đến việc cải thiện chức năng mạch máu. Một chất chống oxy hóa khác là carotenoid giúp tăng cường hệ thống miễn dịch.
Cholesterol LDL được gọi là cholesterol “xấu”, có thể tích tụ dọc theo thành động mạch và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Một số đánh giá và nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người uống nước cam thường có ít cholesterol LDL hơn những người không uống nước cam.
Nước cam cũng được chứng minh là làm tăng độ pH, làm tăng độ kiềm của cơ thể trong nước tiểu và hỗ trợ ngăn ngừa sỏi thận. Các nhà nghiên cứu tin rằng, nước cam có tác dụng này vì nó giàu kali citrate, có thể làm tăng lượng citrat niệu của cơ thể (còn được gọi là axit citric) và làm tăng độ kiềm của nước tiểu.
-
Sau sinh có uống được nước cam?
-
Uống nước cam vào lúc nào mới tốt?
2. Có bao nhiêu chất dinh dưỡng trong một cốc nước cam?
Theo phân tích thành phần dinh dưỡng, trong một cốc nước cam tươi (khoảng 248g) chứa khoảng:
- Lượng calo: 112
- Tổng lượng carbohydrate: 25,8g
- Chất xơ: 0,5g
- Đường: 20,8g
- Tổng chất béo: 0,5g
- Chất béo bão hòa: 0,1g
- Chất béo không bão hòa đa: 0,1g
- Chất béo không bão hòa đơn: 0,1g
- Chất béo chuyển hóa: 0g
- Chất đạm: 1,7g
- Natri: 2,5mg (0,1 giá trị hằng ngày – DV)
- Vitamin C: 124mg (138% DV)
- Folate: 74,4mcg (19% DV)
- Thiamine: 0,2mg (17% DV)
- Đồng: 0,1mg (11% DV)
- Kali: 496mg (11% DV)
- Axit Pantothenic: 0,5mg (10% DV)
- Riboflavin: 0,1mg (8% DV)
- Magiê: 27,3mg (7% DV)
- Niacin: 1mg (6% DV)
- Vitamin B6: 0,1mg (6% DV)
- Phốt pho: 42,2mg (3% DV)
- Vitamin A: 24,8mcg (3% DV)
(Giá trị hàng ngày: Tỷ lệ phần trăm dựa trên chế độ ăn 2.000 calo mỗi ngày).
3. Cách uống nước cam có lợi nhất
Không thể phủ nhận nước cam chứa nhiều dinh dưỡng tốt cho sức khỏe. Khi chúng ta cảm thấy khát nước hay ốm thì uống một ly nước cam rất có hiệu quả giúp xua tan cảm giác mệt mỏi. Nhưng cách uống nước cam như thế nào là có lợi nhất cho sức khỏe thì không phải ai cũng biết.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, nước cam tươi chứa nhiều dưỡng chất giúp tăng cường sức khỏe, nhưng tiêu thụ quá nhiều cũng sẽ có những bất lợi. Nước cam có nhiều calo và đường, đồng thời nó không phải là thực phẩm giàu chất xơ như nhiều loại trái cây khác nếu chỉ lọc lấy riêng nước ép mà không sử dụng bã.
Vì những lý do này, mọi người chỉ nên uống một lượng vừa phải, nên tiêu thụ không quá 1 cốc nước ép trái cây nguyên chất 100% mỗi ngày. Mặc dù đường trong nước trái cây 100% là tự nhiên, nhưng việc duy trì thói quen uống nước trái cây ở mức 1 cốc mỗi ngày sẽ giúp kiểm soát lượng calo và giúp ngăn ngừa lượng đường trong máu tăng đột biến.
Nên tận dụng cả bã múi cam để tăng lượng chất xơ.
Đối với người mắc bệnh đái tháo đường, cách tốt nhất là nên ăn cam cả múi, bởi chất xơ có nhiều trong bã múi cam giúp làm hấp thu đường chậm và có khả năng chống táo bón. Không nên uống nước ép vì dễ tăng đường huyết cao sau khi uống.
Hàm lượng đường cao trong nước cam, đặc biệt là nước cam có chứa đường bổ sung khiến nó trở thành đồ uống có lượng calo cao. Vì vậy, những người muốn giảm cân thì nên ăn cam cả múi hay uống nước cam nguyên chất không đường.
Đối với người bệnh gan nhiễm mỡ, theo ThS.BS. Nguyễn Văn Thành (Bệnh viện E), cam cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất tốt bệnh gan nhiễm mỡ nhưng cam cũng chứa hàm lượng đường tự nhiên cao. Vì vậy, những người có yếu tố nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ nên hạn chế uống nước cam mà nên ăn cam, quýt nguyên múi. Nguyên nhân do tiêu thụ nhiều đường fructose sẽ làm tăng phát triển bệnh. Không nên sử dụng nước ép cam đóng chai sẵn vì những sản phẩm này có thể chứa nhiều đường, không cung cấp nhiều vitamin như nước cam tươi nguyên chất và ít chất xơ.
10 trái cây có chỉ số đường huyết thấp người bệnh đái tháo đường nên ăn
SKĐS – Trái cây là thực phẩm phù hợp với chế độ ăn uống của người bệnh đái tháo đường. Nhưng trái cây có hàm lượng đường huyết thấp là lựa chọn tốt nhất để cân bằng lượng đường trong máu. Vậy những loại trái cây nào tốt nhất cho người mắc bệnh đái tháo đường?
Xem thêm video đang được quan tâm
5 loại thực phẩm tuyệt đối tránh khi bị loãng xương.