SKĐS – Gánh nặng “kép” về dinh dưỡng vẫn đang là thách thức, đặc biệt là các vùng dân tộc thiểu số, miền núi của thủ đô Hà Nội. Đó là tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng thể thấp còi còn khá cao 11,8%. Người dân sẽ được đẩy mạnh tiếp cận dịch vụ hiện đại để nâng cao tầm vóc, thể trạng.
Gánh nặng ‘kép’ về dinh dưỡng
Hiện Hà Nội có 107.847 người thuộc 50 thành phần dân tộc thiểu số song đan xen cùng người Kinh, chiếm 1/3 dân số của toàn thành phố. Trong đó, nhiều nhất dân tộc Mường chiếm 57,71%, dân tộc Tày chiếm 17,81%, dân tộc Thái 6,61%, dân tộc Nùng 5,85%…
Đồng bào dân tộc thiểu số sống cư trú theo cộng đồng ở 5 huyện là Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức. Tại mỗi dân tộc thiểu số của Thủ đô đều có những tập quán, phong tục và những văn hóa riêng.
Thực tế hiện nay sự chênh lệch về thu nhập, giàu nghèo giữa vùng dân tộc thiểu số miền núi và vùng đồng bằng trên địa bàn thành phố còn có khoảng cách khá xa. Đời sống của bà con dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô vẫn còn thiếu thốn.
Trong Chiến lược dinh dưỡng quốc gia giai đoạn 2011-2020 của Thủ tướng Chính phủ, TP Hà Nội được đánh giá đã đạt và vượt chỉ tiêu. Tuy nhiên, vẫn phải đối diện với những vấn đề về mặt dinh dưỡng. Gánh nặng “kép” về dinh dưỡng vẫn đang là thách thức, đặc biệt là các vùng dân tộc thiểu số, miền núi của thủ đô Hà Nội. Đó là tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng thể thấp còi còn khá cao 11,8% và gia tăng tình trạng thừa cân, béo phì, nhất là ở vùng nội thành.
Trong khi đó, kiến thức cũng như việc thực hành dinh dưỡng hợp lý theo vòng đời của người dân còn hạn chế. Phần lớn phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ thiếu kiến thức và thực hành về chăm sóc dinh dưỡng trong 1.000 ngày vàng. Chỉ có 7,2% bà mẹ hiểu đúng khái niệm 1.000 ngày đầu đời. Đáng chú ý, đến 88,3% bà mẹ không biết 1.000 ngày đầu đời là gì; tỷ lệ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời chỉ có 43,9%.
Hoạt động thể lực đạt ở mức khuyến cáo của người trưởng thành năm 2021 cũng chỉ đạt 38,3%, mức tiêu thụ muối trung bình của người dân còn cao tới 9 gram/ngày. Đó là một trong những yếu tố khiến cho những bệnh mạn tính không lây nhiễm liên quan tới dinh dưỡng xảy ra nhiều hơn.
Tích cực giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, thừa cân, béo phì
Trước những thách thức cần giảm thiểu gánh nặng bệnh tật, nâng cao tầm vóc, thể lực và trí tuệ của người dân, nhất là với những vùng dân tộc thiểu số và miền núi của thủ đô, TP Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT – XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I, từ năm 2023 -2025, UBND Hà Nội đã triển khai kế hoạch về chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em.
Theo đó, 13 xã thuộc 4 huyện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của thủ đô được triển khai gồm: Huyện Ba Vì có 7 xã (Khánh Thượng, Minh Quang, Ba Vì, Ba Trại, Tản Lĩnh, Vân Hòa, Yên Bài), Thạch Thất 3 xã (Yên Trung, Yên Bình, Tiến Xuân), Quốc Oai 2 xã (Phú Mãn, Đông Xuân), Mỹ Đức 1 xã (An Phú).
Những người dân sinh sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt là phụ nữ mang thai, bà mẹ, trẻ em, người cao tuổi, nam nữ thanh niên, cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ… sẽ được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại.
Cùng với đó, người dân được phổ biến kiến thức và thực hành trong chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em; hỗ trợ tăng cường việc khám thai định kỳ và hỗ trợ y tế cho phụ nữ trước, trong và sau khi sinh con. Hỗ trợ tăng cường dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời và trẻ em suy dinh dưỡng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi… Thay đổi hành vi cho mọi đối tượng theo vòng đời về dinh dưỡng đa dạng, hợp lý; phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng; kiểm soát thừa cân – béo phì; dinh dưỡng hợp lý; phòng chống suy dinh dưỡng nhẹ cân thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi và suy dinh dưỡng cấp tính ở trẻ em 0 – 72 tháng tuổi.
Mục tiêu đến năm 2025 nâng tỷ lệ trẻ từ 6 đến 23 tháng có chế độ ăn đúng, đủ đạt 78% và đạt 80% vào năm 2030; Tỷ lệ người trưởng thành tiêu thụ đủ số lượng rau quả hằng ngày đạt 65% (năm 2025), 70% vào năm 2030; Từ năm 2025 không còn hộ gia đình thiếu an ninh thực phẩm ở mức độ nặng và vừa.
Tỷ lệ xã có triển khai tư vấn dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai, bà mẹ có con nhỏ dưới 2 tuổi trong gói dịch vụ y tế cơ bản phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng và nâng cao sức khỏe do trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện đạt 80% vào năm 2025 và đạt 100% vào năm 2030.