SKĐS – Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi và suy dinh dưỡng thể nhẹ cân chiếm ở Tuyên Quang năm qua đều giảm so với năm trước. Có được điều này là nhờ vào việc triển khai đồng bộ giải pháp, trong đó là việc tới từng nhà hướng dẫn, chế biến bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng.
Một buổi truyền thông thực hành dinh dưỡng ở Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang. Ảnh P.Thuận
Giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng
Tuyên Quang là một tỉnh miền núi phía Bắc, có 22 dân tộc, trong đó nhiều nhất là dân tộc Kinh 46%, Tày 26%, Dao 13%, còn lại là các dân tộc khác. Với đặc thù địa bàn rộng, việc đi lại khó khăn, người dân bận làm nương, rẫy cho nên việc chăm sóc sức khỏe của bản thân và gia đình chưa được coi trọng. Phụ nữ trong độ tuổi mang thai thường không đến trạm khám thai đủ số lần theo quy định, nhiều bà mẹ lại thiếu kiến thức chăm sóc trẻ dẫn tới trẻ bị suy dinh dưỡng và hay đau ốm.
Cùng với đó, trình độ dân trí ở đây còn thấp, có những người dân tộc còn không biết tiếng Kinh. Việc thực hiện các hoạt động y tế dự phòng nói chung, trong đó có hoạt động truyền thông về phòng chống suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng còn nhiều khó khăn.
Tuy vậy, những năm gần đây, tỷ lệ suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng ở nhóm trẻ Tuyên Quang đã giảm. Theo số liệu công bố của Viện Dinh dưỡng Quốc gia năm 2022, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ dưới 5 tuổi trên địa bàn tỉnh chiếm 23,5%, giảm 0,2%; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân chiếm 12,9%, giảm 0,2 % so với năm 2021.
Tới từng nhà hướng dẫn, chế biến bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng
Một trong những thành công trong công tác nâng cao chất lượng dân số, phòng chống suy dinh dưỡng ở Tuyên Quang là việc triển khai đồng bộ giải pháp. Trong ngày Phòng chống thiếu VCDD và phòng chống SDD ở Tuyên Quang, nhiều chị em người dân tộc được tư vấn và khám thai, đồng thời được tư vấn về chế độ ăn uống nghỉ ngơi, hướng dẫn uống viên sắt/acid folic hay sử dụng viên đa vi chất để phòng thiếu máu cho bà mẹ và thai nhi.
Ngoài ra, các bà mẹ còn tham dự buổi hướng dẫn thực hành bữa ăn bổ sung cho trẻ bằng các loại thực phẩm sẵn có tại địa phương, dưới sự hướng dẫn của các cộng tác viên dinh dưỡng. Tại đây, các bà mẹ được nghe về giá trị dinh dưỡng của 4 nhóm thực phẩm, các loại thức ăn giàu vitamin A, giàu sắt, giàu canxi, cách chế biến bữa ăn cho từng nhóm tuổi với nhiều loại thực phẩm khác nhau…
Hằng tháng nhân viên y tế thôn, bản đến từng nhà hướng dẫn, tuyên truyền vận động chị em thực hiện các phương pháp chăm sóc sức khỏe sinh sản; vận động phụ nữ mang thai tới khám thai định kỳ; tư vấn về ăn uống đủ chất cho trẻ em và phụ nữ có thai bằng các sản phẩm sẵn có tại gia đình…
Trong những buổi truyền thông về dinh dưỡng, làm mẹ an toàn hay khám sàng lọc được triển khai luôn thu hút đông đảo người dân tham gia. Chị Lầu Thị Áng, dân tộc H’Mông chia sẻ, trước chị chưa biết kết hợp những loại thực phẩm giàu dinh dưỡng cho con ăn nên con lớn bị suy dinh dưỡng nặng. Khi mang thai bé thứ 2, được cán bộ tuyên truyền về tầm quan trọng của việc chăm sóc dinh dưỡng khi có thai, kiến thức chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ… nên đã quan tâm hơn đến khám thai kỳ. Ngoài ra, gia đình cũng đã biết cách chế biến bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng để giúp cho con phát triển khỏe mạnh.
“Để đảm bảo dinh dưỡng cho con, gia đình cũng đã bổ sung đa dạng thực phẩm từ thịt, cá, tôm, trứng, đậu đỗ, hoa quả… Cho con đi tiêm chủng đầy đủ, uống bổ sung vitamin A và thường xuyên cân, đo chiều cao cho con tại Trạm Y tế xã” – chị chia sẻ.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cũng thường xuyên tổ chức các đoàn giám sát, kiểm tra cơ sở thực hiện các hoạt động chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, các hoạt động theo sự chỉ đạo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, như cân, đo trẻ, thực hành dinh dưỡng cho các bà mẹ nuôi con nhỏ, bà mẹ mang thai…
Đến năm 2025, tỉnh phấn đấu tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi dưới 20%. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi dưới 12%, riêng tại huyện khó khăn như Na Hang và Lâm Bình dưới 16%. Tỷ lệ trẻ có cân nặng sơ sinh thấp (dưới 2.500 gram) dưới 8%.